Tinh yeu, goc trai tim, tam su buon, qua tang cuoc song, suy ngam, van hoa, xa hoi, cach lam nguoi

Về những người quyết định tự tử

“Khi ai đó nhận thấy cuộc đời mình vô giá trị, hoặc là họ tự tử, hoặc là xách balo lên và đi.”Edward Ehlberg

Trước hết, tôi không nói về giá trị con người, cũng không nói về chủ nghĩa xê dịch, mà nói về cái còn lại trong câu danh ngôn kia: tự tử. Mỗi ngày trên thế giới có hàng ngàn người chết, và một phần trong số họ tự quyết định điều đó. Nguyên nhân là gì, ta sẽ thử lượt qua vài trường hợp:

Đầu tiên, cho thời sự, tôi nói về trường hợp những người trẻ tự tử vì thi rớt đại học. Thất vọng về bản thân, áp lực từ gia đình, hơn thua với bạn bè… và nghĩ: “Thế là hết.” Họ còn quá trẻ để hiểu được thất bại này chẳng là bao so với nhiều trải nghiệm đau thương phía trước. Và họ không có cơ hội để nhận ra rằng: “Sao lúc đó mình ngu ngốc thế?”

Về những người quyết định tự tử

Một trường hợp khác, khá điển hình và hay bị gắn mác “dại dột”, đó là chết vì tình, cụ thể là thất tình. Ở giây phút mà “tòa lâu đài tình ái” bị sụp đổ thành tro bụi, họ nghĩ rằng, sẽ chẳng bao giờ có lại được nó. Họ kết thúc cuộc sống để không còn chịu thêm tổn thương nào nữa, hoặc là để khiến kẻ “phá hoại” phải ray rứt… Nhưng, thực tế phũ phàng, chưa có thứ gì ở thế gian này dám đảm bảo sẽ tồn tại vĩnh viễn, huống chi là những cảm xúc tình yêu vốn nóng lạnh thất thường.

Thêm một dạng khác, và nó bắt nguồn từ thất bại. Sau bao nhiêu thành công rực rỡ, đi kèm với những ảo tưởng không giới hạn về bản thân, con người ta dễ dàng quỵ ngã khi những thành tựu gầy dựng bấy lâu biến mất. “Của cải các ngươi ở đâu thì lòng các ngươi cũng ở đó.” (Kinh Thánh), những người đặt niềm tin của mình vào tiền bạc, danh tiếng, địa vị rốt cuộc sẽ thấy trống rỗng khi nó tan biến. Họ không tin mình có thể đứng dậy thì nói chi đến việc tiếp tục sống.

Điểm qua một số trường hợp như thế, và nếu ai muốn có thêm, cứ việc lên mạng mà tìm kiếm. Thậm chí, sẽ tìm thấy rất nhiều nguyên nhân rất “trời ơi” nữa. Nhưng tôi muốn gom những trường hợp điển hình như vậy để thử tìm trong đó một nguyên nhân chung, và tôi gọi nó là “giá trị.”

Mới vài hôm trước, quê tôi xôn xao vì vụ một cậu bé uống thuốc cỏ tự tử. Lý do là cậu ta nhẹ dạ để người ta lừa bán cho một cái điện thoại dỏm với giá cao nên bị mẹ chửi mắng thậm tệ. Đó là một cậu bé khờ khạo với chứng rối loạn tâm thần, nhưng chắc chắn là cậu ta có cảm xúc. Và cái cảm giác bị mẹ mình đánh giá là một đứa chẳng ra gì đã tạo tiền đề cho một kết cuộc bi thảm.

Có một lần, trong một bộ phim, tôi nhìn thấy một nhân vật cũng treo cổ tự tử. Một ông già 70 tuổi, chậm chạp vì bệnh đau khớp, đã trải qua hầu hết cuộc đời bên trong nhà tù. Được trả tự do vì cải tạo tốt, ông được giúp đỡ để có một chỗ trọ và công việc gói hàng ở siêu thị. Nhưng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, ông đã kết thúc cuộc đời trên dây thòng lọng tại căn hộ tồi tàn trước nhà tù “sẽ chẳng có ai bận tâm vì cái chết của một ông già chậm chạp và đau khớp”. Ở trong nhà tù, ít ra ông còn có một giá trị nào đó.

Ở bất cứ độ tuổi nào, và bất cứ hạng người nào thì vấn đề về giá trị vẫn luôn là một lý do thiết thực để người ta sống. Cho dù không phải để tạo nên những thành tựu vĩ đại gì thì ít ra nếu vẫn còn có người cần đến mình, coi trọng mình thì họ vẫn có động lực để sống.

Tôi không đưa ra lời khuyên cho những người sắp tự tử, ở khoảnh khắc của sự tuyệt vọng và bị chi phối bởi cảm xúc, họ khó mà hiểu được những lập luận lý trí. Vì thế tôi dành lời khuyên cho những người đang sống, những người còn đang mỗi ngày khẳng định giá trị bản thân giữa thế giới rộng lớn này: “hãy cứ khẳng định mình, nhưng nhớ rằng, nếu bạn không thể có được những giá trị lớn thì vẫn có thể sống với những giá trị nhỏ.” Hãy làm quen với suy nghĩ rằng: nếu một ngày những gì mình đang tin tưởng có mất đi thì mình vẫn có thể tiếp tục sống vì một điều gì đó. Và tất nhiên, “điều gì đó” phải do chính bạn tìm thấy.

AVKH
Cùng chuyên mục